(ĐTCK) Kết quả khả quan trong năm 2023 và các yếu tố vĩ mô thuận lợi cho phép thị trường khu công nghiệp lạc quan về một năm 2024 tiếp tục thành công trong thu hút vốn FDI.
Vốn ngoại dự báo tiếp tục chảy mạnh
“Quan trọng là làm cách nào để hấp thụ vốn hiệu quả, bởi dòng vốn mới sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới”, ông Vũ Công Trụ – chuyên gia bất động sản khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.
Theo ông Trụ, năm 2024 được xem là năm sẽ có nhiều dòng vốn mới, nhất là sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài ra, dòng vốn từ Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) được cho là vẫn tiếp tục chảy vào mạnh mẽ, thậm chí có thể kéo dài sang năm 2025.
Ông Trụ cho biết, nhiều đơn vị đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên sâu đang chủ động mở rộng quỹ đất để đón các cơ hội từ thị trường.
Từ góc nhìn lạc quan thận trọng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sen Vàng Group – đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư cho rằng, dù Việt Nam vẫn đang thu hút tốt dòng vốn FDI, song cũng cần quan sát thêm các yếu tố vĩ mô toàn cầu, chẳng hạn xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới và có thể ảnh hưởng tới dòng vốn này, hay như với dòng vốn từ Trung Quốc, dù đang chảy mạnh vào Việt Nam, nhưng nếu nền kinh tế lớn này suy yếu cũng gây ra những tác động nhất định.
“Dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tăng, nhưng để đột biến thì phải trong một kịch bản rất tươi sáng”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kết thúc năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5%. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.
Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, vốn FDI tiếp tục tập trung tại các địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương và Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.
Cụ thể, năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến – chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm 2022.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 4,8%. Các ngành sản xuất – phân phối điện, tài chính – ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần)…
Vốn FDI đạt kỷ lục trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái dường như càng củng cố thêm niềm tin vào thị trường Việt Nam. Đây chính là cơ sở để giới chuyên gia cho rằng, với nền tảng sẵn có, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm dòng vốn ngoại chảy mạnh mẽ vào các dự án đầu tư trong nước.
Vừa chạy tiến độ, vừa bắt khách
Quay trở lại câu chuyện của dòng vốn mới, sau khi nâng cấp quan hệ với nhiều nền kinh tế lớn, câu chuyện của Việt Nam và Mỹ đang thu hút được sự quan tâm của giới quan sát. Nhóm nghiên cứu từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên thế giới. Mỗi năm, doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 200-300 tỷ USD, nhưng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam trong các năm gần đây chỉ khoảng 1 tỷ USD/năm, nên việc nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới có thể sẽ là “cú huých” cho một làn sóng đầu tư mới từ “xứ cờ hoa” sang Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, tháng 11/2023, trong buổi làm việc với ông Jose Fernandez – Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị 2 cơ quan cần sớm thành lập Nhóm công tác trong lĩnh vực bán dẫn, tập trung trao đổi sâu vào 3 nội dung: Tư vấn chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý; hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực và tổ chức kết nối các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của 2 nước.
Giới quan sát cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế và tham gia sâu hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn thế giới và để “đón sóng” đầu tư hiệu quả, Việt Nam sẽ phải làm 2 việc đồng thời, đó là tiếp tục chạy tiến độ và tăng cường xúc tiến đầu tư thu hút khách thuê. Mặt khác, các nhà phát triển dự án khu công nghiệp cũng phải nắm bắt tốt các yêu cầu của nhóm khách thuê mới – khách thuê công nghệ cao – để thiết kế sản phẩm phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, với trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (ước tính khoảng 22 triệu tấn) và trữ lượng vonfram lớn thứ 3 thế giới (ước tính khoảng 100.000 tấn), Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của thế giới và điều đang thiếu đó là việc mời gọi được một “queenbee” lớn đến Việt Nam để tạo “hiệu ứng chim mồi”.
Theo bà Ngọc, với các nhà đầu tư lớn, ngoài các ưu đãi, điều họ quan tâm là các quy hoạch mang tính đồng bộ, từ hạ tầng cơ sở kết nối cho đến logistics, chuỗi cung ứng.
“Một điểm nữa, việc hợp tác với tất cả các bên là điểm cộng nhưng cũng sẽ là điều làm cho các nhà đầu tư cân nhắc, bởi với các nhà đầu tư lớn, sự rõ ràng, minh bạch là điều được hướng tới, cùng với đó là các cam kết trong thực thi, triển khai cho các dự án đầu tư và bảo vệ nhà đầu tư”, bà Ngọc chia sẻ thêm.
Còn theo ông Vũ Công Trụ, dù có nhiều lợi thế, nhưng Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh không nhỏ từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… khi các nước này đều đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư. Đặc biệt, lĩnh vực ô tô, cơ khí và bán dẫn cũng là những nội dung mà 2 quốc gia láng giềng cùng quan tâm và muốn kêu gọi nhà đầu tư lớn tham gia. Do đó, ngoài các chính sách ưu đãi chung, các nhà phát triển dự án khu công nghiệp cũng cần đưa ra các bước quy hoạch sản phẩm, concept dịch vụ… phù hợp với nhu cầu khách thuê, đảm bảo cung cấp các dịch vụ, sản phẩm chất lượng.
Ông Trụ cũng lưu ý, thời gian tới, cơ hội sẽ không chỉ đến với các khu, cụm công nghiệp ở các vị trí trọng điểm, chiến lược như Đồng bằng sông Hồng, khu kinh tế ven biển…, mà cả khu vực nằm sâu trong nội địa, các thị trường cấp 2 (Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định…), cấp 3 (Phú Thọ, Yên Bái…), thậm chí với những địa phương ít phát triển công nghiệp như Đắk Nông, Gia Lai, Đắc Lắk…
Về giải pháp tiếp cận, ông Trụ gợi ý, các nhà phát triển khu công nghiệp có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến mạnh mẽ tới các hiệp hội, các kênh mà nhà đầu tư lớn thường tham gia, song song đó là thực hiện tốt hơn cam kết trong thu hút đầu tư. Như vậy, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp sẽ được cải thiện.
Thành Nguyễn
Nguồn: Đầu tư chứng khoán